top of page

6 chiến lược tăng niềm tin đối với bệnh nhân trong điều trị nha chu

Đã cập nhật: 15 thg 12, 2021

Chắc hẳn các bác sĩ sẽ thường xuyên nghe thấy bệnh nhân nói "Tôi chỉ muốn làm sạch răng thường xuyên, không muốn làm gì thêm". Chính bởi vì bệnh nhân của bạn không hiểu những gì đang xảy ra với sức khỏe răng miệng của họ hoặc chưa hiểu rõ hết các bệnh lý về nha chu. Đây là cách giải quyết vấn đề đó.


Sau những chia sẻ của các bác sĩ khi họ trình bày toàn diện về tình trạng nha chu của bệnh nhân và đưa ra các khuyến nghị điều trị, họ đã vấp phải nhiều sự phản đối từ bệnh nhân với câu nói quen thuộc “Tôi chỉ muốn vệ sinh răng thường xuyên đúng như bảo hiểm chi trả”. Điều này rõ ràng thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu giá trị nhận thức, hoặc một số rào cản khác gây ra sự chia rẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ trong khi họ chỉ muốn làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân của mình. Trong trường hợp đó, bạn sẽ làm gì?


Dưới đây là sáu chiến lược tăng niềm tin đối với khách hàng trong điều trị nha chu và các kỹ năng truyền đạt để thúc đẩy sự hiểu biết của bệnh nhân về các vấn đề liên quan đến nha chu.





Thiết lập các giai đoạn điều trị nha chu

Trước khi bạn bắt đầu đánh giá nha chu (bất kể bệnh nhân đã trải qua bao nhiêu lần điều trị), bạn hãy giải thích ngắn gọn những gì bạn sẽ làm trong việc điều trị và tại sao. Theo như kinh nghiệm của các bác sĩ thâm niên thì hãy đưa ra từng dẫn chứng cụ thể cho bệnh nhân hiểu, đặt lộ trình điều trị nha chu và quan trọng là tránh “nói dài nói dai” để gây hiểu lầm cho bệnh nhân.


Ví dụ: trước khi thăm khám, hãy nói với bệnh nhân: “Như một phần kiểm tra tình trạng nha chu của anh/chị hôm nay, tôi sẽ kiểm tra và đánh giá trước tình trạng của nướu và xương răng của anh/chị. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục xem xét có đi đến việc điều trị chuyên sâu hay không?”


Tại thời điểm này, bạn không nên đi quá sâu vào tình hình nha chu và cách điều trị. Tốt nhất là nên đợi cho đến khi hoàn thành đánh giá vì một số thông tin có thể không cần thiết sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân, khiến họ càng lo lắng hơn. Đừng cố gắng trình bày quá nhiều, điều này khiến bệnh nhân bị nhiễu thông tin và càng khó để tin tưởng vào việc điều trị nha chu. Một bước hữu ích để tạo niềm tin với bệnh nhân trước khi bắt đầu kiểm tra là cho bệnh nhân xem tình trạng răng và nướu thông qua gương cầm tay khi bạn nhẹ nhàng đưa đầu dò dưới nướu để họ có thể nhìn thấy những gì bạn sẽ kiểm tra. Ngoài ra, bạn nên lập biểu đồ đo lường cụ thể để bệnh nhân dễ hiểu. Bước này giúp thúc đẩy sự tin tưởng của bệnh nhân và sự quan tâm, cam kết của bạn dành cho họ.


Tổng hợp và tóm tắt quá trình điều trị nha chu

Trong những trường hợp bạn đề xuất điều trị nha chu hoặc bệnh nhân yêu cầu, bạn nên chia sẻ thông tin một cách ngắn gọn bằng cách giải thích bằng mô hình có sẵn. Một công cụ tương tác với bệnh nhân hữu ích khác là biểu đồ. Ví dụ, đưa biểu đồ nha chu lên để bệnh nhân có thể nhìn thấy các khu vực cần điều trị (mà nhiều hệ thống phần mềm hiển thị bằng màu đỏ). Biểu thị bằng biểu đồ hoặc mô hình để họ có thể so sánh tình trạng nha chu của họ với những người khỏe mạnh. Một cách khác là cho họ thấy những gì diễn ra trong gương rồi so sánh với biểu đồ hoặc hình chụp X-quang trước đó, tất cả những điều này có thể giúp bệnh nhân hiểu được tình trạng nha chu của mình.


Trình bày rõ ràng và trung thực về điều trị nha chu

Một trong những điều tốt nhất trong quá trình điều trị nha chu cho bệnh nhân là trung thực và thẳng thắn về những gì bạn đang thấy. Là một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng đã được cấp phép, bạn có nghĩa vụ thực hiện các đánh giá một cách kỹ lưỡng, truyền đạt những gì bạn quan sát được và cung cấp thông tin hữu ích để bệnh nhân có thể đưa ra quyết định phù hợp và sáng suốt. Nói bớt đi những gì bạn thấy không có nghĩa là giúp bệnh nhân giảm thiểu thông tin nhiễu mà họ sẽ không hiểu được mức độ nghiêm trọng về tình trạng nha chu của mình.



Giải thích cách điều trị nha chu và các bước tiếp theo

Ví dụ, khi bệnh nhân có dấu hiệu bị nhiễm trùng nha chu, trên biểu đồ sẽ xuất hiện túi nướu hay nướu bị chảy máu và nặng hơn là bị tiêu xương ổ răng. Bạn hãy giải thích rằng các dấu hiệu trên cho thấy bệnh nhân bị viêm nha chu. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào những khu vực sâu hơn này và nhiễm trùng có thể tiến triển, thường âm thầm và không có dấu hiệu rõ ràng cho bệnh nhân. Nhiễm trùng nha chu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.


Trước khi đưa ra phương án điều trị nha chu, bạn nên tạm dừng và lắng nghe bệnh nhân nói gì. Đôi khi chỉ cần tạm dừng chút một cũng có thể khiến bệnh nhân tò mò về các bước tiếp theo. Các cuộc trò chuyện có thể thành công hơn nhiều khi bệnh nhân cùng tham gia vào việc đưa ra hướng điều trị thay vì chỉ lắng nghe sự giải thích từ bác sĩ.


Điều trị nha chu chuyên sâu đòi hỏi một phương pháp điều trị khác với những ca vệ sinh cơ bản, hướng tới việc phòng ngừa. Bác sĩ sử dụng liệu pháp nha chu bao gồm các dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn. Hãy nói với bệnh nhân rằng đây không phải là phẫu thuật; bạn chỉ can thiệp sâu hơn dưới nướu răng. Tại thời điểm này, bạn nên giải thích rằng việc thăm khám, bảo dưỡng nha chu là một phần của việc chăm sóc răng miệng khỏe mạnh. Bạn phải thể hiện về việc bạn thường xuyên đánh giá và giải quyết những vùng sâu đó với mục tiêu ngăn chặn bệnh nha chu và duy trì mức độ xương hiện tại.


Điều trị nha chu và những câu hỏi mở

Thay vì hỏi một câu hỏi mang tính 1 chiều với câu trả lời có hoặc không, hãy thử một câu hỏi mở như “Sau khi nghe tôi giải thích anh/chị suy nghĩ thế nào hay có câu hỏi gì không? Anh/chị có thắc mắc gì về việc điều trị nha chu sắp được tiến hành không?


Một trong những điều quan trọng trong điều trị nha chu là phải lắng nghe và hiểu các vấn đề sức khỏe răng miệng của bệnh nhân, tóm gọn lại những thông tin quan trọng và giải thích với họ. Ví dụ, một bệnh nhân đặt nhiều sự quan tâm về sức khỏe bản thân thì hãy nói với họ việc điều trị này không chỉ tốt cho răng miệng mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể. Một bệnh nhân khác thiên về vấn đề tài chính, hãy nói với họ về phương án điều trị nha chu hiện tại có thể ngăn chặn việc điều trị tốn kém hơn sau này.


Phối hợp điều trị nha chu với bác sĩ khác

Việc phối hợp này giống như việc trao gậy tại một cuộc thi chạy tiếp sức, chính là chuyển giao thông tin cho nha sĩ khác trước mặt bệnh nhân để họ có thể tiếp tục theo mạch điều trị và bệnh nhân sẽ tiếp nhận thông tin một cách nhất quán. Tốt nhất bạn nên cùng bác sĩ đó chuẩn bị tài liệu về điều trị nha chu trước, sau đó mới đến các hướng dẫn và quy trình điều trị tại phòng khám.



Sự gia tăng niềm tin của bệnh nhân không phải trong một sớm một chiều. Cần có thời gian trải nghiệm thực tế, điều gì giúp ích cho công việc chữa trị nha chu của bạn, vừa giúp ích cho bệnh nhân trong việc hiểu biết về bệnh nha chu. Trong việc điều trị nha chu nói riêng hay điều trị các bệnh về Răng - Hàm - Mặt nói chung, điều quan trọng nhất là sự kết nối của bệnh nhân với bác sĩ, hướng tới việc đảm bảo tốt nhất sức khỏe răng miệng của bệnh nhân.


Tổng kết

Trên đây là 6 cách tăng niềm tin đối với bệnh nhân trong điều trị nha chu dành cho các bác sĩ chưa có nhiều những trải nghiệm thực tế. Mong rằng, qua bài viết này các bác sĩ sẽ chọn ra cho mình những chiếc lược phù hợp nhất với khả năng của bản thân, điều trị nhiều ca nha chu thành công, tạo dựng niềm tin tuyệt đối với bệnh nhân và mang lại được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị nha chu.


Tổng hợp: Công ty Anh & Em

Nguồn: Dentistryiq




Comments


bottom of page